Dữ liệu On-Chain là một trong những công cụ quan trọng nhất để phân tích blockchain. Bởi thông qua dữ liệu nó cung cấp, nhà đầu tư có thể dễ dàng đọc hiểu, đánh giá chính xác nhất về những gì đang diễn ra trên thị trường.
Bạn đã biết về phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản trong đầu tư coin? Tuy nhiên còn một phương pháp phân tích quan trọng không kém, luôn đồng hành song song cùng 2 phương pháp trên đó chính là phân tích dựa vào dữ liệu On-Chain. Nhưng cụ thể dữ liệu On-Chain là gì? Nó gồm những gì? Lấy dữ liệu On-Chain ở đâu? Phân tích thế nào cho đúng?
Phân tích dữ liệu On-Chain là gì?
On-Chain là gì?
On-chain là những dữ liệu nằm trên mạng lưới Blockchain, bao gồm thông tin của tất cả các giao dịch đã xảy ra trên một mạng Blockchain nhất định. Thông qua On-Chain, bạn sẽ biết được nhiều dữ liệu minh bạch, chính xác nhất về tất cả các giao dịch của mọi người trên thị trường.
Dữ liệu On-Chain gồm những gì? Vì blockchain là nơi lưu lại hết các giao dịch, chính vì vậy căn cứ vào dữ liệu On-Chain, bạn có thể biết được:
- Dữ liệu về các Block (thời gian, phí gas, miner,…).
- Khối lượng giao dịch từ các ví, các sàn.
- Lượng sở hữu từ các ví cá mập, ví cá nhân.
- Thông tin về lượng tiền, lượng token được đẩy/rút khỏi các sàn.
- Thông tin về dòng tiền cụ thể.
- Thông tin về hành động của các thợ đào.
- Các thông tin về TVL, về các hợp đồng thông minh.
- …….
Bất kỳ ai có hành động trên blockchain, thì hành động đó được xác minh bởi các node và sẽ được cập nhật vào mạng blockchain tổng. Phân tích dữ liệu On-Chain là khá mới và hoàn toàn khác với phân tích kỹ thuật. Nhưng dựa vào nó, bạn có thể nhìn ra tình hình hiện tại và cả quá khứ của blockchain đó, để từ đó có những quyết định đầu tư phù hợp mà không cần đến các chỉ báo kỹ thuật.
Ví dụ: Mọi người đều biết về sự sụp đổ vào ngày 19/5 khi BTC giảm từ 37.000 đô la xuống còn 29.000 đô la. Nhưng nếu bạn nhìn vào dữ liệu On-Chain, 253.729 BTC đã được gửi lên các sàn giao dịch tập trung. (Exchange Inflow – là dòng tiền mà các nhà đầu tư chuyển từ ví cá nhân của họ sang các ví Spot trên sàn giao dịch). Tức là đã có nhiều nhà đầu muốn bán token/coin mà họ đang nắm giữ (hold), nên họ phải chuyển lên sàn để bán. Và chính vì vậy, giá BTC giảm.
Có thể khẳng định, dữ liệu On-chain là dữ liệu trung thực và minh bạch nhất. Bởi
Biểu đồ có thể được “VẼ”
Tin tức có thể được “MUA”
Nhưng dữ liệu On-chain không thể làm “GIẢ”
Các chỉ số phân tích dữ liệu On-chain phổ biến nhất
Phân tích On-chain rất rộng bởi những dữ liệu blockchain ghi lại vô cùng đa dạng, và không có một quy chuẩn nhất định nào về phân tích dữ liệu On-chain. Tuy nhiên dưới đây là một số thông tin/chỉ số theo mình đánh giá là quan trọng và dễ tra cứu nhất mà bạn có thể tham khảo:
- Total Value Locked (TVL): Hiểu đơn giản đây số tài sản đang được staking trong một giao thức DeFi. Thông qua khối lượng TVL trong mạng lưới, nếu TVL càng cao chứng tỏ dự án đó rất tốt, được nhiều nhà đầu tư sử dụng và có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
- Thông tin ví team Dev, Investor, Miner: Hầu hết các thông tin này sẽ được công khai. Thông qua thông tin này, bạn có thể biết được đội ngũ phát triển, nhà đầu tư có gom, xả token không? Qua đó đánh giá được có nên đầu tư hay không? Hoặc những đồng coin đào như BTC thì cần quan tâm tới cả ví của những Miner (thợ đào), bởi hành vi mua bán của họ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường.
- Lượng token đẩy lên các sàn: Với dữ liệu on-chain này, khi một token liên tục được đẩy lên các sàn giao dịch tập trung như Binance, Coinbase… thì rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến một đợt điều chỉnh hoặc tệ hơn là một đợt bán tháo. Trong khi đó, nếu token đó được rút ra khỏi sàn nhiều thì sẽ là tín hiệu tích cực.
- Lượng Stablecoin được đẩy lên các sàn: Tuy nhiên, với stablecoin thì ngược lại, vì khi stablecoin trên sàn có sẵn thì là dấu hiệu cho thấy niềm tin vào thị trường tích cực, nhiều nhà đầu tư đang sẵn sàn “bắt đáy” hoặc “chuẩn bị mua vào”. Ngược lại, nếu stablecoin được rút ra nhiều chứng tỏ nhà đầu tư đang rất tiêu cực.
- Số địa chỉ ví hoạt động: Số lượng các địa chỉ ví tăng lên là dấu hiệu cho thấy nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường và tiền điện tử đang được quan tâm nhiều hơn. Từ đó dẫn tới giá tài sản tiền điện tử có khả năng sẽ tăng lên. (Lưu ý là chỉ xét các ví đang hoạt động, nghĩa là có số dư trong tài khoản lớn hơn 0). Còn khi số lượng ví hoạt động giảm xuống chứng tỏ ngày càng ít người tham gia vào thị trường, dẫn đến khả năng biến động giá theo chiều hướng đi xuống.
- Lượng coin các holder nắm giữ: Phân tích on-chain có thể kiểm tra khoảng thời gian mà một địa chỉ chưa chuyển tiền điện tử và số lượng nhà đầu tư hold tiền điện tử. Nếu số lượng coin của các nhà đầu tư hold tiền điện tử tăng lên, thì điều đó có thể có nghĩa là cung của tiền điện tử đó trên thị trường sẽ giảm, và sẽ thúc đẩy tăng giá nếu nhu cầu không đổi.
- Mức độ phân bổ token: Cái này sẽ cho bạn biết phần lớn coin/token đang nằm trong tay ai? Cá mập hay các nhà đầu tư cá nhân? Ví dụ một tài sản có một vài địa chỉ nắm giữ % lớn tổng lượng token, thì chứng tỏ nó dễ bị thao đúng giá. Vì vậy, việc phân tích mức độ sở hữu của các token holder lớn cũng rất quan trọng.
- Theo dõi ví của các “cá mập”: Dựa vào những dữ liệu on-chain bạn có thể theo dõi những ví nắm giữ số tài sản lớn (cá mập). Hãy xem họ đang bán tháo hay gom thêm đồng coin nào, dựa vào đó bạn có thể ra những quyết định đầu tư cho bản thân mình.
- Tỷ lệ LONG/SHORT trên các sàn: Đối với các bạn chơi Futures thì tham khảo dữ liệu này rất quan trọng. Nó sẽ là căn cứ để bạn biết các nhà đầu tư khác đang LONG hay SHORT nhiều hơn. Mặc dù nó không là căn cứ cụ thể cho dự đoán hay phân tích nào, nhưng nó sẽ giúp bạn nhận biết được tâm lý và xu hướng thị trường trong ngắn hạn, từ đó ra quyết định đầu tư phù hợp.
*** Lưu ý phân tích On-Chain còn rất nhiều dữ liệu/chỉ số khác. Tùy thuộc vào nhu cầu phân tích mà bạn lựa chọn những tiêu chí cho phù hợp. Trên đây mình chỉ giới thiệu những chỉ số đơn giản và phổ biến nhất. Sau này khi đã phân tích thành thạo và làm quen với nhiều công cụ hỗ trợ phân tích, bạn sẽ biết thêm được nhiều chỉ số phân tích dữ liệu On-Chain khác ****
- Các website hỗ trợ phân tích dữ liệu On-chain
Có thể thấy, dữ liệu On-chain là một công cụ vô cùng đắc lực trong việc giúp các bạn đưa ra các quyết định đầu tư của mình. Tuy nhiên, nó đòi hỏi người sử dụng phải có kiến thức nhất định mới có thể sử dụng hiệu quả. Chính vì vậy, qua bài viết này mình mong các bạn phần nào đã hiểu được phân tích dữ liệu On-Chain là gì, cũng như những bước đầu tiên để làm quen với nó.
Hãy nhớ luyện tập thường xuyên để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm nhé. Chúc bạn đầu tư thành công.