Tất cả các bài viết liên quan đến IT, Infrastructure: Sysadmin, Cloud & DevOps...chuyển qua https://infra.lecuong.info/

Một vòng tìm hiểu những khác biệt khi phỏng vấn với công ty Âu/Mỹ

Là 1 Talent Aquisition, một trong những công việc của mình là điều phối, tham gia và hỗ trợ rất nhiều cuộc phỏng vấn giữa các ứng viên Việt Nam và hiring managers ở nước ngoài, chủ yếu là các nước nói tiếng Anh (Mỹ, Úc, Châu Âu...). Post này là để chia sẻ những quan sát thực tế của mình qua quan sát hàng trăm cuộc phỏng vấn trực tuyến thành công, ghi điểm và cả thất bại khi một ứng viên Việt Nam, chủ yếu là các bạn techies, đối mặt với áp lực vô hình từ các đôi mắt bên kia màn hình :) Sẽ có bạn thấy những điều mình sắp nói hơi "bình thường", nhưng mình cũng hi vọng có bạn sẽ tìm thấy ở đây 1 góc nhìn,1 tư duy, 1 cách làm khác trước khi bước vào đường đua cam go phỏng vấn tìm job ở công ty Âu-Mỹ mà bạn mong muốn.

Rồi, mình xin vào việc ^^

1. Sự lan man (A windy story)

Không dưới 20 lần mình được chứng kiến những cuộc hội thoại đi lan man khỏi trục chính, những câu trả lời lòng vòng không đến được vấn đề và luôn kết thúc bằng feedback từ Hiring manager: "He told a windy story, for me it shoud be a No-go". Dù bạn tốt tiếng Anh hay không thì trả lời lan man (nhiều hay ít) có vẻ là 1 vấn đề khá phổ biến xảy ra khi các bạn cố gắng diễn đạt ý tưởng của mình bằng một tràng rất dài nhưng interviewers thu lại rất ít từ câu trả lời của bạn. Nguyên nhân mình nghĩ có thể đến từ khác biệt trong văn hóa giao tiếp ( Chúng ta có xu hướng tránh nói thẳng vào 1 vấn đề), tâm lý lo lắng thiếu tự tin, hoặc rào cản ngôn ngữ (khi ta cố gắng tìm từ phù hợp để diễn đạt trong 1 tình huống áp lực), nhưng mình cho rằng yếu tố quan trọng nhất là chúng ta thiếu Phương pháp trả lời trọng tâm và tính Tổ chức một cách Hệ Thống khi nói.

Rõ ràng câu trả lời có cấu trúc tốt sẽ giúp bạn đi thẳng vào trung tâm và luôn ở trong hàng rào an toàn. Một phương pháp mình thấy cực kì hiệu quả để tổ chức 1 câu trả lời tốt là PREP (Point, Reason, Example, Point) - (Quan điểm, Lí giải, Ví dụ, Nhấn mạnh lại quan điểm). Chỉ cần làm theo đúng trình tự này thì bạn không thể xé rào đi vào bìa rừng được :) vì Points sẽ giữ bạn lại. Và quan trọng không kém là các Key words, hay còn gọi là Key points, luôn luôn phải là Câu Đầu Tiên bạn nói ra, cái này quan trọng mình nhấn mạnh 3 lần =)). Đây là điều mà các Interviewers đang chờ đợi được nghe trong suốt 60' phỏng vấn và có thể chỉ cần nghe đúng Keywords đó là họ cảm thấy bạn và họ đồng điệu, những thứ còn lại tự nhiên lại...trôi đi êm đềm.

Như vậy, hệ thống kiến thức của bạn bằng Keyword, đưa vào PREP và xếp đúng thứ tự của Points trong câu là bí quyết để né "A windy story"

2. Cấu trúc dữ liệu của 1 câu trả lời ăn điểm

Ảnh captured bên dưới là câu trả lời của ChatGPT cho 1 câu hỏi về quan điểm mà mình thử đặt ra. 


Khi phỏng vấn với công ty Âu/Mỹ, chia sẻ về góc nhìn, quan điểm và suy nghĩ cá nhân cực kì hay gặp và cũng là cái bẫy phổ biến đưa ứng viên lạc ra bìa rừng :) Mình hay khuyến khích ứng viên luyện phỏng vấn bằng AI vì xem cách ChatGPT, CoPilot hay bất kỳ AI nào khác trả lời, ta sẽ hiểu hơn về cách người nước ngoài đưa thông tin vì đây là product của chính họ, và rất có thể đây cũng là cách trả lời của 1 ứng viên Âu/Mỹ trong buổi phỏng vấn nếu họ được hỏi.


Giờ nhìn vào ảnh, ta có thể thấy 1 cấu trúc dữ liệu theo kiểu "bullets" rất nổi bật. Ít nhất có khoảng 5 bullets được đưa ra, có khi 10, và được xếp theo thứ tự giảm dần về độ Quan trọng hoặc Liên quan. Mỗi bullet lại được cấu trúc theo PREP hoặc gọn hơn, và phần Keyword luôn được đặt đầu tiên, bôi đậm. Có 1 thứ mà ứng viên hay quên mất là kiểm soát thời gian khi trả lời, nếu bạn quá đắm chìm vào 1 ý thì đến câu cuối, bạn dễ quên mất ý tưởng tiếp theo và nguy hiểm hơn là nói lan sang những vấn đề mà bạn...không hiểu rõ, sau đó bị vặn cứng tại đó và không thoát ra được. Cấu trúc dữ liệu bullets sẽ ngăn chặn điều này. Do vậy đứng trước câu hỏi về quan điểm của bạn, nên dành 1p suy nghĩ và đưa ra ít nhất khoảng 3-5 bullets (không nên chỉ nói duy nhất 1 ý trừ phi được hỏi về những thứ "nhất", và cũng phải khuôn nó vào PREP), đánh thứ tự từng cái, đưa cái quan trọng nhất lên đầu và thực hiện PREP. Bạn sẽ kiểm soát được thời lượng của mỗi bullet và bắt buộc phải đi theo 1 mạch (cấu trúc) đã vạch ra.

Chưa kể bullet style sẽ giúp mở rộng vấn đề rất tốt nếu đột nhiên interviewers hứng thú với 1 trong số đó, đây cũng là cách tổ chức dữ liệu mình rất thích và áp dụng thường xuyên trong nhiều presentations khác.

3. "I don't know"

Bạn đang phỏng vấn ở cho 1 Senior job, đột nhiên câu chuyện dẫn bạn sang 1 topic, 1 thuật ngữ mà bạn "nghe quen quen", hình như mấy năm trước bạn làm cái này rồi hoặc vừa đọc trên diễn đàn hôm nọ. Giờ bị hỏi thì nên chém tiếp hay thú nhận? Liệu có bị đánh giá là senior mà không biết cái này....? Thú thật là tham gia hàng trăm cuộc phỏng vấn mình hiếm khi nghe thấy câu "I dont know" từ ứng viên, đa phần là các bạn diễn đạt nó bằng cách khác, lòng vòng quanh đó hoặc cố thể hiện mọi kiến thức có được. Có nhiều nguyên nhân và mục đích đằng sau hành động này: sợ bị đánh giá thấp, gặp áp lực phải hiểu biết toàn diện, muốn gây ấn tượng hay đơn giản là thiếu kĩ năng đối phó với câu hỏi bất ngờ (chứ chưa chắc đã khó).

Sau nhiều lần sync-up với các interviewers sau phỏng vấn - chủ yếu là dân tech( CTO, SA, Tech Lead, Product Lead, Senior Dev...), mình nhận thấy "I don't know" là 1 văn hóa được họ chấp nhận và ít khi phán xét (nhưng không áp dụng cho những câu hỏi quá basic nhé ^^). Bạn cần hiểu cái họ đang ủng hộ không phải sự "không biết" kia mà là tinh thần Trung thực, Dũng cảm và Tự tin của ứng viên. Họ biết việc nhận vào 1 nhân viên không sợ hãi trước những thiếu sót để tiếp tục vươn lên học hỏi trong công việc, sẽ có lợi ích gấp trăm lần 1 người luôn cố thể hiện hiểu biết nhưng thực ra không chắn chắn và thậm chí không chính xác. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu sau này trong công việc người này luôn tìm cách che lấp khuyết điểm, vòng vo và gây ra những vấn đề lớn cho sản phẩm và dự án?

Như vậy thú nhận Không Biết là rất NÊN, và đẹp hơn nữa là đi cùng combo Đề xuất một hướng tiếp cận và Chia sẻ kinh nghiệm tương tự . Mình tin bộ 3 này hợp lực lại sẽ thuyết phục bất kì ai bên kia màn hình và vô hình giúp bạn tránh sa chân vào bẫy kiến thức.

Một vài chia sẻ, suy ngẫm của mình với mọi người về phỏng vấn tech với các công ty ở bển :) Nếu hữu ích thì chắc là lại có...kỳ sau.

(*)Bài viết của Vũ Ngọc Trang



Để bắt đầu tham gia Giao dịch tài chính:


Comments are closed.