Tất cả các bài viết liên quan đến IT, Infrastructure: Sysadmin, Cloud & DevOps...chuyển qua https://infra.lecuong.info/

Phỏng vấn công ty Âu/Mỹ/Úc | Phần 2: Ai là Senior?

 Problem Solving Map

1.     Ai là senior?

Gần đây nếu thử tìm 1 vị trí Software Developer ở 1 tech stack bất kỳ trên LinkedIn, ITViec, mình thấy 70% các công ty đều dán nhãn senior vào job và mong muốn ứng viên (UV) nằm trong biên độ của những người giàu kinh nghiệm trong phần mô tả công việc. Và thực tế là khi phỏng vấn (PV) các UV đều cố gắng thể hiện mình xứng đáng với title senior, nhưng đáng nói là định nghĩa về senior lại rất khác nhau giữa các công ty. Một bạn senior (thậm chí Lead) ở 1 công ty khi sang 1 công ty khác phỏng vấn có thể chỉ được đánh giá là mid hoặc mid+, đây là 1 thực tế khá phổ biến và đôi khi gây tranh cãi giữa UV và công ty tuyển dụng, vì ai cũng cho rằng mình…có lý 😄

Từ khi làm việc môi trường product của các nước nói tiếng Anh, mình luôn cố gắng tìm kiếm một tiêu chuẩn đơn giản và rõ ràng để xác định level nào mà UV đang đứng (Junior - Mid - Senior) vì đây là một trong những mục tiêu hàng đầu của quá trình tuyển dụng. Dựa trên kĩ năng (skills) hay số năm kinh nghiệm thì không hoàn toàn hợp lý, title thì càng thiếu chính xác. Sau này trong một buổi follow-up PV, mình bắt gặp một ý tưởng khá hay từ các global interviewers: 

“Dù bạn thuộc level nào đi nữa thì chúng tôi luôn mong bạn là 1 problem solverwelcome bạn tới để giải quyết các vấn đề của chúng tôi.” 

Mình cho rằng đây là 1 quan điểm thực sự cấp tiến, tuy đơn giản nhưng giúp định hình rõ bản chất của vấn đề, vì đúng là dù bạn gắn nhãn nào cho bản thân thì đến cuối cùng nhiệm vụ của bạn cũng là giải bài toán cho công ty đưa ra, các junior sẽ giải các bài toán đơn giản, mid sẽ bắt đầu bằng những bài toán khó hơn và càng senior thì bài toán sẽ càng phức tạp và khó nhằn. Theo mình thì đây là điểm chúng ta nên tìm cách thể hiện cho tốt khi PV thay vì nhấn mạnh vào title, số năm kinh nghiệm hay những thứ khác: Kĩ năng giải quyết vấn đề (problem solving skills) và bài toán ta cần giải trông như thế nào.

Từ quan sát của mình thì problem solving thường đi theo một lộ trình sau (6 bước):

Context- Bối cảnh (1) => Problem - Vấn đề (2) => Reasoning – Phân tích (3) => Solution- Giải pháp (4) => Retrospective - Đánh giá lại (5) => Improvement - Cải tiến (6)

Theo mình thấy trong một cuộc PV, khi gặp những câu hỏi về cách giải quyết vấn đề thường thì 1 bạn senior sẽ đi được khoảng 2/3 những mốc ở trên (từ 1 đến 5), và đẹp nhất là đi được hết. Tức là bạn ấy sẽ kể cho interviewers 1 câu chuyện toàn diện từ hoàn cảnh của vấn đề, nguyên nhân, logic phía sau, đưa giải pháp dựa trên các góc tiếp cận khác nhau, đánh giá hiệu quả và đề cập hướng cải thiện chất lượng trong tương lai. Các bạn mid-level thì thường drop mất 2 bước cuối (5 & 6) và đôi khi có phần context hoặc không. Riêng với Junior/Fresher thì ngoài những phần bị thiếu giống mid, câu trả lời hầu như không có context và phần reasoning khá yếu, thậm chí fail ngay từ khâu xác định đúng Problem.

Lộ trình 6 bước này không chỉ áp dụng hiệu quả trong trả lời phỏng vấn mà ta có thể áp dụng ngay trong công việc và các vấn đề trong cuộc sống, nếu để ý kĩ chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng trong cách trình bày nội dung của 1 senior và 1 junior. Vậy rèn luyện cách suy nghĩ và trả lời như một senior có khó không? Mình tin là nỗ lực thay đổi tư duy thông thường sang tư duy 6 bước từ những vấn đề nhỏ chắc chắn sẽ đem lại cho chúng ta một lối suy nghĩ kín kẽ và sâu sắc, để có thể áp dụng tự nhiên như hơi thở trong mọi tình huống 😊

2.     What - How - Why

Đây là 3 loại câu hỏi mà mình nghĩ gần 100% sẽ gặp trong PV với công ty Âu/Mỹ, vì nó phản ánh rất tốt khả năng hiểu vấn đề, phân tích và tư duy của 1 UV. Xa hơn thì mình thấy bộ 3 WHW này cũng rất hay được dùng để đánh giá mức độ seniority của 1 người, đồng hành với tư duy 6 bước đã nói ở trên. Cụ thể:

ð What (làm cái gì): Kiểm tra kiến thức nền tảng và khả năng nắm bắt khái niệm cụ thể. Nếu fail ở câu này thì khả năng là do UV thiếu nền tảng hoặc kinh nghiệm thực chiến.

ð How (làm như thế nào): Đánh giá khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế, cũng như cách giải quyết vấn đề. Bắt đầu kiểm tra năng lực của UV từ “biết” sang “làm.” UV càng trả lời càng chi tiết và logic thì càng thể hiện sự thành thạo với các công cụ và độ thực chiến trong dự án.

ð Why (tại sao lại làm): Đánh giá tư duy phản biện, khả năng đưa ra quyết định và hiểu biết sâu sắc với các lựa chọn. Một ứng viên xuất sắc ở cấp senior sẽ không chỉ giải thích "cách làm" mà còn "lý do" đằng sau mỗi quyết định, với tư duy phản biện, dẫn chứng hoặc kinh nghiệm thực tế. Những người này có thể làm việc độc lập, cũng như dẫn dắt và đào tạo người khác.

Theo quan sát của mình thì Junior thường chỉ trả lời được What và 1 chút How đơn giản, Mid thì làm tốt What và How ở các vấn đề phổ biến, còn Senior thì đặc biệt có Why rất mạnh và đi kèm Tư duy phản biện (critical thinking) nổi bật khi xử lý các vấn đề high complexity. Lấy 1 ví dụ đơn giản là khi được hỏi “Tại sao lại chọn công nghệ ABC để áp dụng trong dự án?”, Junior thường trả lời vì công nghệ này dễ học, dễ áp dụng, đang đúng trend hoặc đơn giản là Leader bảo em làm vậy, trong khi senior sẽ kể cho chúng ta 1 câu chuyện sắc bén dựa trên yêu cầu dự án / yêu cầu kĩ thuật, mục tiêu business, chi phí, chiến lược dài hạn và hiểu biết về hệ sinh thái công nghệ…

Như vậy rõ ràng là muốn PV vào vị trí senior thì chúng ta nên tập trung phát triển tư duy “WHY”, bởi 1 tư duy Why mạnh mẽ sẽ giúp ta thể hiện khả năng phân tích và phản biện, nhờ đó có thể Ra Quyết Định và tiến tới Làm Việc Độc Lập. Đây cũng là lí do mà các Junior và mid - thường vẫn cần phụ thuộc vào 1 senior trong team để dẫn dắt họ tới những quyết định phù hợp. Nói cách khác, với tư duy Why chúng ta sẽ phát triển thành Thinker, thay vì Do-er trong team.

Thực ra đây là chia sẻ và chiêm nghiệm cá nhân của mình khi tham gia tuyển dụng cho các công ty Âu/Mỹ/Úc vì vấn đề ai là senior cũng thường gây tranh cãi không chỉ giữa các bên mà đôi khi còn ngay trong nội bộ 1 team. Tuy nhiên quan điểm này không nhằm khẳng đinh khái niệm senior của các công ty khác là chưa đúng hay hướng đến bất kỳ nhóm đối tượng cụ thể nào. Mình chỉ muốn chia sẻ thêm 1 vài góc nhìn từ global interviewers về cách họ hình dung 1 senior, từ đó các bạn có thể hiểu chính mình và tự tin hơn, biết người biết ta và có sự chuẩn bị tốt nhất, đặc biệt là không sợ hãi trước bất kì câu hỏi Why nào trong những buổi phỏng vấn sắp tới.

Bởi vì ai sợ thì đi về 😊

(*)Bài viết của Vũ Ngọc Trang



Để bắt đầu tham gia Giao dịch tài chính:


Comments are closed.